ín hiệu từ chuyến thăm dự kiến của sếp Google tới Myanmar
Theo nhận định của báo Wall Street Journal, chuyến thăm Myanmar của ông Schmidt là một tín hiệu cho thấy sức hút của Myanmar đối với các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ trong bối cảnh nước này bắt đầu đẩy mạnh mở cửa để phát triển kinh tế sau hàng thập kỷ gần như biệt lập bởi các lệnh trừng phạt quốc tế.
Theo dự kiến, chuyến thăm của ông Schmitd tới Myanmar sẽ diễn ra vào ngày 22/3. Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một vị lãnh đạo công ty công nghệ lớn của Mỹ tới nước này. Trước đây, do lệnh cấm vận của Mỹ đối với Myanmar, các công ty Mỹ phải đứng ngoài thị trường 60 triệu dân này, tạo lợi thế cho các đối thủ đến từ các quốc gia khác. Tháng 1 vừa qua, ông Schmidt đã có một chuyến thăm cá nhân gây tranh cãi tới Triều Tiên, quốc gia có mức độ phổ biến Internet thấp tương tự như Myanmar. Tuy nhiên, so với Triều Tiên, thì Myanmar - quốc gia được đánh giá là điểm đến đầu tư mới nhất trong khu vực - có độ mở cửa lớn hơn nhiều đối với các công ty của Mỹ. "Ông Eric Schmitdt sẽ tới thăm nhiều quốc gia ở châu Á để kết nối với các đối tác địa phương… những đối tác sẽ giúp cải thiện cuộc sống của nhiều triệu người trong khu vực bằng cách giúp họ tiếp cận với Internet", phát ngôn viên Taj Meadows của Google cho biết về mục đích của chuyến thăm. Phát ngôn viên này không đi vào chi tiết lịch trình chuyến thăm của ông Schmidt, nhưng các giới thạo tin ở Yangon cho hay, ông Schmidt dự kiến sẽ phát biểu tại một sự kiện với sự tham gia của các công ty, doanh nhân và sinh viên địa phương. Ngành công nghệ thông tin của Myanmar được nhận định sẽ trở thành một ngành công nghiệp "tỷ đô". Lĩnh vực này được dự báo sẽ sớm phát triển mạnh tại Myanmar nhờ những bước tiến đã được lên lịch về viễn thông. Theo dự kiến, hai giấy phép sẽ sớm được cấp cho các nhà điều hành mạng nước ngoài, theo đó giúp cải thiện hệ thống Internet và mạng di động ở Myanmar. Chính phủ của Thủ tướng Thein Sein đã cam kết sẽ mở cửa lĩnh vực từng được cho là nhạy cảm này, thu hút sự quan tâm của các công ty từ khắp thế giới. Khi Myanmar còn nằm dưới chính quyền quân sự, liên lạc trực tuyến còn bị xem là nhạy cảm và bị kiểm soát chặt chẽ. Khi đó, thậm chí từ "Internet" còn bị kiểm soát trong tất cả các ấn phẩm và các quán cà phê Internet bị cấm cho tới đầu thiên niên kỷ này, thời điểm mà các công ty Internet phát triển bùng nổ ở các quốc gia khác. Chính phủ Myanmar hy vọng sẽ tăng tỷ lệ sở hữu điện thoại di động lên 80% dân số vào năm 2016 từ mức 9% hiện nay, mở ra cơ hội lớn cho bất kỳ công ty nào thuộc lĩnh vực di động và Internet. Sự thay đổi này ở Myanmar đã thu hút sự chú ý lớn của các công ty Mỹ. Tháng trước, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đã dẫn một phái đoàn công nghệ với sự tham gia của các đại diện từ Google, Intel, HP, Microsoft, và Cisco Systems tới Myanmar để gặp gỡ với các quan chức chính phủ và doanh nhân trẻ của nước này. Một số công ty công nghệ Mỹ như Cisco hiện đã bắt đầu có một số dự án đầu tư nhỏ vào Myanmar. Tuy nhiên, đây vẫn là một lĩnh vực mà các công ty Mỹ vẫn còn chịu sự hạn chế bởi một số lệnh trừng phạt mà Mỹ tiếp tục áp dụng đối với Myanmar. Một số trang như eBay vẫn chặn người dùng đăng ký từ Myanmar, với những pop-up thông báo rằng, không thể truy cập tài khoản từ một "quốc gia bị trừng phạt". Hiện Mỹ đã gỡ bỏ hầu hết các lệnh trừng phạt đối với Myanmar, nhưng Bộ Tài chính Mỹ vẫn cấm các công ty Mỹ giao dịch với hơn 100 cá nhân bị cho là có liên quan tới chính quyền quân sự Myanmar trước đây. Trong số này có nhiều người tiếp tục nắm giữ những vị trí quan trọng và có ảnh hưởng về kinh doanh hiện nay ở Myanmar. Nhiều công ty đến từ các nước khác đang thống thị trường công nghệ ở Myanmar và đang tiếp tục gia tăng ảnh hưởng ở đây. Wall Street Journal dẫn một nghiên cứu cho thấy, công ty Huawei của Trung Quốc hiện dẫn đầu thị trường điện thoại thông minh tại Myanmar. Ở nước này, một chiếc điện thoại thông minh Huawei có giá 500-600 USD, so với mức 1.120 USD của một chiếc iPhone, hay 115-500 USD/chiếc điện thoại Galaxy của Samsung. Nhiều doanh nhân công nghệ của Myanmar đã nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực này trong suốt nhiều thập kỷ qua, bất chấp những rào cản lớn. Họ hy vọng sẽ đưa đất nước phát triển hiện đại bằng những sáng kiến mới. Tuy vậy, các doanh nhân này cho rằng, quan hệ đối tác với các công ty Mỹ, vẫn là một phần thưởng lớn đối với họ và có thể thúc đẩy Chính phủ Myanmar mở cửa hơn nữa. "Nếu không còn lệnh trừng phạt, nước Mỹ sẽ để các công ty công nghệ như Google tiếp cận tự do với thị trường Myanmar. Hy vọng họ sẽ đem tới các giải pháp về chính phủ điện tử và nhiều lợi ích khác nữa", ông Thaung Su Nyein, một doanh nhân công nghệ ở Yangon, phát biểu. |
Theo VnEconomy |