Nokia chật vật tìm cơ hội hồi sinh trên đất Mỹ
Hôm qua (6/11), hãng viễn thông Mỹ AT&T vừa tuyên bố chiếc điện thoại "bom tấn" của Nokia, Lumia 920 sẽ được phân phối thông qua nhà mạng này với mức giá 99 USD kèm theo bản hợp đồng sử dụng dịch vụ trong vòng 2 năm. AT&T, nhà mạng không dây duy nhất phân phối Lumia 920, hiện đang bán các sản phẩm đối thủ là iPhone 5 và Samsung Galaxy S III với mức giá cao gấp đôi. Nhưng giá bán của Lumia 920 không thể cao hơn bởi cả Nokia lẫn AT&T đều quyết tâm nâng cao sức hấp dẫn cho chiếc điện thoại này bằng chiến lược giá rẻ.
Trên thực tế, mặc dù sở hữu nhiều tính năng vượt trội nhưng nhìn chung Lumia 920 cũng như các mẫu smartphone Windows Phone khác của Nokia đều không gây được ấn tượng với người tiêu dùng Mỹ. Do đó, Nokia và AT&T đều chấp nhận giảm bớt lợi nhuận để thúc đẩy doanh số của mẫu điện thoại này vì những mẫu smartphone cao cấp khác đều đang được bán với mức giá khởi điểm từ 199 USD kèm hợp đồng sử dụng dịch vụ của các nhà mạng.
Nếu Lumia 920 thất bại, cánh cửa hồi sinh của Nokia cũng sẽ khép
lại?
Dù vậy, giới phân tích vẫn tỏ ra không mấy lạc quan về chiến lược "giá mềm" và tương lai của Nokia vì mẫu Lumia 900 cao cấp trước đó cũng được nhà mạng AT&T bán ra với mức giá 99,99 USD kèm hợp đồng sử dụng dịch vụ nhưng vẫn không đủ sức thu hút được phần đông người tiêu dùng. Trong quý ra mắt của Lumia 900, Nokia chỉ bán được vỏn vẻn 4 triệu chiếc Lumia trên phạm vi toàn cầu.
Nhiều ý kiến cho rằng Lumia 920 đã đặt chân vào thị trường smartphone quá muộn. Cho dù có mức giá rẻ gấp đôi so với các đối thủ nhưng theo giới phân tích từ Phố Wall, smartphone này vẫn không đủ sức mạnh để ngáng đường điện thoại iPhone 5 và các thiết bị của Samsung vốn đã có mặt trên thị trường từ vài tuần cho đến vài tháng. Thêm nữa, Nokia lại đang sử dụng một hệ điều hành di động mới có mức thị phần cực khiêm tốn, đó là Windows Phone của Microsoft.
Phải nói rằng mối quan hệ thân thiết giữa Microsoft và Nokia đã mang lại cho hãng di động Phần Lan một đồng minh thuộc dạng tầm cỡ. Gã khổng lồ phần mềm Mỹ cũng đang rất cần Lumia gặt hái được thành công để họ có thể đặt được một chỗ đứng của riêng mình trong lĩnh vực di động. Microsoft nhận ra rằng thị trường di động mang lại tiềm năng tăng trưởng hơn cả máy tính cá nhân (PC) vốn là loại sản phẩm truyền thống sử dụng phần mềm của hãng. Kết quả là Microsoft đã chi tới hàng triệu USD để hỗ trợ chiến dịch quảng cáo cho điện thoại của Nokia.
Tuy nhiên, Windows Phone 8, hệ điều hành di động mới nhất vừa được Microsoft trình làng lại không được giới phân tích đánh giá cao và dự báo sẽ khó giành giật "miếng bánh" thị trường từ tay hai đối thủ sừng sỏ Android và iOS.
Về phía hãng viễn thông AT&T cũng sẽ muốn Windows Phone đạt được những bước tiến lớn bởi nhờ đó, nhà mạng này có thể giảm sự phụ thuộc vốn có của họ vào Apple. Một khi điện thoại iPhone vẫn đang đóng vai trò quan trọng trong cuộc đua của các nhà mạng Mỹ thì Apple sẽ có thể thu phí các nhà mạng này trên mỗi chiếc iPhone được bán ra. Trước đó, AT&T đã dần mở rộng danh mục smartphone trên kệ hàng của mình trong khi vẫn đang giữ quyền phân phối độc quyền chiếc điện thoại nổi tiếng iPhone tại thị trường Mỹ.
Vì vậy, AT&T được khuyến khích giữ giá bán Lumia càng thấp càng tốt. Hãng viễn thông này hiện đang trợ giá cho các sản phẩm smartphone bằng cách tính phí thuê bao thấp hơn so với giá bán buôn của điện thoại, đổi lại, người dùng phải đồng ý kí vào bản hợp đồng sử dụng dịch vụ không dây của họ.
Theo Strategy Analytics, trong quý thứ 3 vừa qua, lần đầu tiên Nokia đã rơi khỏi tốp 3 trong danh sách các nhà sản xuất smartphone toàn cầu tính theo số lượng điện thoại xuất xưởng. Nokia chỉ bán được 82,9 triệu chiếc điện thoại di động trong quý III năm nay, giảm 22,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Vì vậy, hơn lúc nào hết, Nokia đang cần được trợ giúp để có thể phục hồi lại vị thế của mình.
Theo Dantri |