Intel đưa CNTT vào đào tạo ngoại ngữ tại Việt Nam
Intel cam kết nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ tại VN bằng
việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến.
Mục tiêu của bản thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Công ty TNHH Intel Việt Nam hôm qua là thúc đẩy ứng dụng các giải pháp Công nghệ Thông tin và Truyền thông trong hệ thống giáo dục giúp nâng cao chất lượng dạy và học các môn ngoại ngữ tại Việt Nam theo Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020.
Thông qua thỏa thuận này, hai bên thể hiện nỗ lực hoàn thành mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ với sự trợ giúp hiệu qủa từ CNTT&TT ở các cấp học, trình độ đào tạo.
Với mục đích nâng cao khả năng vận dụng CNTT&TT cho đội ngũ giáo viên ngoại ngữ, Bộ Giáo dục & Đào tạo sẽ cùng Intel Việt Nam tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, giúp đội ngũ cán bộ giảng viên các môn ngoại ngữ nắm bắt và ứng dụng các công cụ CNTT&TT một cách hiệu quả, nâng cao chất lượng dạy ngoại ngữ hiện nay tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, chương trình Intel Teach Getting Started, sáng kiến toàn cầu của Intel, sẽ được điều chỉnh theo nội dung dành riêng cho giáo viên dạy ngoại ngữ bậc tiểu học và được giới thiệu, sử dụng cho các khóa bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ và nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên trong khuôn khổ Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 sau khi được nghiên cứu, thẩm định. Ngoài ra, Intel sẽ cấp miễn phí 100 bộ phần mềm "Mythware" dùng trên máy tính PC cho các tỉnh và các trường sư phạm tham gia Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020.
Cũng trong khuôn khổ bản hợp tác, hai bên sẽ cùng điều tra và nghiên cứu thực trạng ứng dụng CNTT&TT trong dạy và học tại các trường học ở Việt Nam, từ đó xây dựng, triển khai thí điểm ứng dụng các giải pháp CNTT&TT tại hai cơ sở giáo dục Việt Nam. Ngay trong Quý 1 năm 2013, Intel sẽ cung cấp hai phòng lab học ngoại ngữ cho hai trường đại học sư phạm tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để thí điểm chương trình này.
Ngoài ra, mô hình e-learning (học tập trực tuyến) cũng được nghiên cứu và giới thiệu áp dụng, hỗ trợ tốt hơn việc dạy và học của giáo viên và học sinh ở trường và tại gia đình. Các mô hình này cho phép các nhà quản lý, giáo viên cũng như phụ huynh quản lý và đánh giá kết quả dạy và học, cũng như đánh giá chất lượng học sinh tốt hơn. Để tăng cường tương tác giữa nhà trường và gia đình, phần mềm "School Portal" sẽ được Intel cung cấp thí điểm sử dụng cùng với các mô hình e-learning. Intel cũng sẽ cung cấp 02 máy chủ cho 02 trường tham gia thí điểm và tặng máy tính cho gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong lớp thí điểm.
Sau khi kết thúc giai đoạn thí điểm vào năm 2013, hai bên sẽ cùng thảo luận, đánh giá kết quả và tiếp tục triển khai các giai đoạn tiếp theo của dự án. Dự kiến, nếu các khóa đào tạo, tập huấn và việc xây dựng mô hình e-learning chứng minh được hiệu quả, các ứng dụng CNTT&TT sẽ tiếp tục được phổ cập và nhân rộng trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam giai đoạn tiếp theo tới năm 2020.
Theo VNE |