Hàng loạt website bán hàng theo nhóm sẽ sụp đổ
Không ảnh hưởng lớn đến thị trường
Ngày 3/2, Công ty cổ phần VNG đã chính thức thông báo ngừng mọi hoạt động của website bán hàng theo nhóm Zingdeal từ 8/2, sau 15 tháng kinh doanh. VNG cam kết đảm bảo quyền lợi của đối tác và khách hàng. Với những người đã mua hàng thành công song chưa sử dụng thì vẫn được hưởng dịch vụ bình thường đến hết thời hạn ghi trên phiếu. Còn các đơn vị, DN hợp tác được tiến hành thanh toán theo điều khoản hợp đồng đã ký.
Sự chấm dứt của Zing Deal đặt ra bài toán về hiệu quả và những tác động của nó đến mô hình kinh doanh theo nhóm nở rộ trong hơn 1 năm qua. Về vấn đề này, ông Harry Do - GĐ Công ty VOG, chủ sở hữu trang Phagia.com.vn cho biết, việc Zing Deal tuyên bố đóng cửa có tác dụng về khía cạnh tâm lý hơn là tác động thực tế. Nó là lời cảnh báo cho các công ty vận hành theo mô hình bán hàng theo nhóm ở VN thấy rằng một công ty có tiềm lực mạnh như VNG cũng chưa chắc đảm bảo sẽ thành công trong lĩnh vực này. "Đối với người tiêu dùng và các đối tác sử dụng dịch vụ Groupon thì không có ảnh hưởng gì nhiều", ông Harry Do cho biết thêm.
Cùng quan điểm, ông Trần Tuấn Tài - một chuyên gia về mô hình kinh doanh theo nhóm và bà Trương Tố Linh, GĐ sản phẩm Hotdeal.vn Hà Nội cũng cho rằng, việc này không tác động lớn lắm vì Zing Deal chỉ chiếm khoảng 1% thị phần, không đại diện cho toàn thị trường.
"Đây cũng là một tín hiệu tốt cho mọi người thấy rằng, thị trường kinh doanh theo nhóm là một cuộc chơi đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc và quyết tâm lớn, có quan điểm đúng đắn chứ không phải ai cũng làm được", bà Linh khẳng định.
Sẽ có nhiều website đóng cửa trong năm 2012
Sau sự kiện Zing Deal đóng cửa có rất nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới sẽ có nhiều DN trong số hơn 100 công ty cung cấp dịch vụ dạng kinh doanh theo nhóm rút khỏi thị trường cạnh tranh khốc liệt này. Ông Harry Do nhận định, thị trường đã đi vào ổn định sau những bùng phát ban đầu. Người dùng đã được "đào tạo" rằng các dịch vụ giảm giá mua theo nhóm là "tiền nào của nấy" nên giảm bớt sự hồ hởi. Còn bản thân các DN cung cấp dịch vụ cũng nhận thấy khả năng sinh lợi của dịch vụ mua theo nhóm không dễ dàng như ban đầu. Do đó, thị trường sẽ phát triển chậm lại và cuối cùng, theo quy luật kinh doanh chỉ còn là cuộc chơi của "2 con ngựa" khỏe nhất. Các công ty còn lại phải tìm hướng kinh doanh mới, đóng cửa hoặc mua lại/sáp nhập. "Điều này đã và đang xảy ra ở Trung Quốc, Mỹ và chắc chắn sẽ xảy ra ở VN", ông Harry Do nói.
Bà Linh cũng cho rằng, việc "sàng lọc" của các website bán hàng theo nhóm đúng theo quy luật, giống như website nghe nhạc trước kia, sau một thời gian nở rộ giờ chỉ còn lại 2 - 3 website. Việc sụp đổ của Zing Deal sẽ khiến các website theo mô hình bán hàng theo nhóm không đạt kết quả tốt bắt đầu "thấm thía" và phải quyết định xem có nên tiếp tục duy trì hay không."Năm 2012 sẽ chứng kiến việc đóng cửa của một loạt website chiếm thị phần nhỏ", bà Linh dự báo.
Theo ông Tài, nguyên nhân đóng cửa chủ yếu do các trang web có thị phần nhỏ không đủ kênh và độ phủ đủ rộng để tiếp cận khách hàng. Ngoài ra, còn có những nguyên nhân như khó tiếp cận đối tác tốt nhất (vì bị các trang web có thị phần lớn thâu tóm), thiếu kinh nghiệm quản lý vận hành, thiếu khả năng quản trị cũng như thiếu vốn để tăng trưởng.
Sản phẩm sát với nhu cầu thực tế hơn
Về thị trường thời gian tới, bà Linh cho rằng, trước mắt các trang web mua sắm theo nhóm sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ số lượng giao dịch nhằm đáp ứng sát nhất với nhu cầu thực tế của người dùng chứ không chỉ xoay quanh giải trí, dịch vụ làm đẹp, ăn uống như thời gian trước. Địa bàn, thị trường hoạt động ngày càng được mở rộng để phục vụ khách hàng của các tỉnh, TP lớn. "Các phương thức thanh toán, giao nhận sản phẩm ngày càng được nâng cao và đem lại thuận tiện hơn cho khách hàng", bà Linh nhấn mạnh.
Ông Harry Do khẳng định, những DN dẫn đầu thị trường phải tối ưu hiệu quả hoạt động và nhanh chóng tiến tới điểm có lợi nhuận. Tuy nhiên, VN có một đặc thù riêng so với các nước là phương tiện thanh toán chủ yếu vẫn là "giao hàng trả tiền". Do đó, ngoài việc giải quyết những vấn đề về hiệu quả hoạt động, gia tăng sự trung thành của người dùng và nhà cung ứng, các công ty mua sắm cộng đồng VN còn phải đối phó với tình trạng tỉ suất lợi nhuận thấp hơn đáng kể do phải làm cả khâu hậu cần, giao nhận và thanh toán trao tay. "Thị trường mua sắm cộng đồng sẽ tiến dần hơn đến thị trường bán lẻ trực tuyến với lợi nhuận thấp và chỉ những công ty có quy mô lớn mới có thể tồn tại", ông Harry Do kết luận.
Theo VNN |