Facebook đang ra sức phòng thủ
Một ví dụ rõ ràng nhất đó là Snapchat, một ứng dụng mới có được hàng triệu người sử dụng yêu thích và sử dụng trong chỉ một năm ít ỏi. Mỗi ngày có hơn 50 triệu bức ảnh được chia sẻ qua ứng dụng di động này - con số đó cao hơn cả số lượng ảnh được chia sẻ mỗi ngày qua Instagram.
Zuckerberg lo sợ rằng ứng dụng này sẽ trở thành "đối cực" của Facebook khi nó ngày càng phổ biến. Thay vì "upload" và chia sẻ ảnh với cả thế giới, Snapchat cho phép người sử dụng chia sẻ những bức ảnh cá nhân của mình với chỉ một số người và những bức ảnh đó sẽ sớm biến mất ngay sau khi người nhận xem chúng. Những bức ảnh được chia sẻ qua Snapchat sẽ không bao giờ được gửi lên các website và sẽ chỉ có một (vài) người nhận có thể xem được chúng.
Để "thị uy" cũng như để tiêu diệt Snapchat, Facebook đã sao chép lại ứng dụng này. Họ đã tạo ra một bản sao y nguyên Snapchat và đặt tên là Poke, ứng dụng này được kỳ vọng sẽ vọt lên vị trí những ứng dụng hàng đầu trên App Store sau khi được ra mắt, để rồi cuối cùng hãng chỉ nhận được những cơn thịnh nộ từ phía người sử dụng trung thành với Snapchat. Hiện tại, khi Snapchat vẫn là ứng dụng miễn phí đứng thứ 5 trên App Store, thì Poke của Facebook đã tụt hạng xuống ngoài top 100.
Snapchat không phải là sản phẩm đầu tiên khiến Facebook phải lo lắng, băn khoăn, mà còn khá nhiều ví dụ khác.
Facebook mua Instagram với giá 1 tỉ USD bởi đó là ứng dụng di động mang lại những trải nghiệm chia sẻ hình ảnh tuyệt hơn và bởi nó có thể thu hút mất nhiều người dùng của mạng xã hội này. Nhiều tin đồn cho rằng Path, một ứng dụng phát triển khá nhanh, cũng đang khiến cho Zuckerberg phải lo lắng. Hiển nhiên rằng, nếu Facebook mua lại những ứng dụng này là chỉ để ngăn cho chúng không phát triển hơn nữa.
Ngay trước khi tung ra ứng dụng "đạo ý tưởng" từ Snapchat, Facebook đã thực hiện một hành động phòng thủ khác. Họ đã phải xin lỗi công khai sau khi khiến cho người dùng Instagram nổi giận vì sự thay đổi trong điều khoản sử dụng dịch vụ. Và họ đã phải tạm dừng việc thử nghiệm một mạng lưới quảng cáo ứng dụng di động mới, một lỗ hổng khiến các nhà đầu tư không hài lòng.
Dù có nhiều đồn đoán, nhưng hệ thống quảng cáo trao đổi dữ liệu của Facebook vẫn chưa chính thức ra mắt.
Việc áp dụng mạng lưới ứng dụng quảng cáo di động mới và hệ thống quảng cáo trao đổi dữ liệu (ad exchange) là hai con đường tốt nhất để vừa tăng nhanh doanh thu bán hàng mà không làm thay đổi trải nghiệm của người dùng. Tới nay, chúng vẫn chưa xuất hiện, dù đã được nhắc tới khá nhiều trên các phương tiện truyền thông.
Nhà đầu tư nổi tiếng Fred Wilson gần đây gọi Facebook là "Đế chế bắt chước" (institutionalized copycat), và hãng "chôm chỉa" mọi ý tưởng hấp dẫn.
Facebook có vẻ như đang ở thế khó khi ngày càng được biết đến nhiều hơn vì các vụ bê bối bảo mật hay sự sao chép, chứ không phải vì sự đổi mới của họ.
Liệu Facebook có thể trở thành một công ty đứng đầu thế giới công nghệ nhờ sự đổi mới không ngừng, hay chỉ là một gã khổng lồ chỉ biết phòng thủ để tránh rủi ro?
Theo Genk |