Chọn máy ảnh du lịch dựa vào mã sản phẩm
Canon
Máy ảnh du lịch Canon năm 2012 được chia thành 2 dòng chính là Powershot và IXUS. Powershot là những máy có nhiều tính năng chụp ảnh chuyên nghiệp, xử lý ảnh chụp nhanh hoặc chỉ đơn thuần là hỗ trợ chụp ảnh đơn giản.
Dòng này lại phân chia thành 3 nhánh sản phẩm là G, SX, S và A đều có thiết kế riêng biệt theo giới tính hoặc cá tính người dùng. Mẫu G nhắm đến người dùng cao cấp, am hiểu kỹ thuật chụp ảnh, có khả năng sáng tác do máy được trang bị nhiều công nghệ chụp ảnh tốt nhất. Mẫu SX nhắm tới người dùng thấp hơn một chút nhưng đòi hỏi nhu cầu chụp ảnh chuyên nghiệp hoặc cần zoom xa. S được thiết kế cho những người dùng thông thường, chỉ cần ngắm và chụp nhưng chất lượng ảnh vẫn rõ nét và hiệu quả tức thời. Mẫu A thì nhắm đến người dùng cấp thấp chỉ đơn giản là chụp ảnh gia đình hoặc lưu giữ kỷ niệm, chất lượng hình ảnh chỉ ở mức trung bình trở lên.
Dòng IXUS nữ tính hoặc những người dùng năng động hiện đại bởi kiểu thiết kế mỏng gọn, nhỏ, trọng lượng nhẹ và kiểu dáng thanh thoát. Dòng này thì dựa theo mã số tăng cấp dần để xác định đối tượng người dùng, chẳng hạn từ 115, 225, 220, 230… và cao cấp nhất là 500 có mức giá đến 10 triệu đồng.
Các nhánh sản phẩm G, SX, S hoặc A của Canon.
Ngoài ra, người dùng cần chú ý đằng sau tên của sản phẩm sẽ có những ký tự viết tắt như HS (độ nhạy sáng cao cho bộ cảm biến), IS (hệ thống ổn định hình ảnh thông minh)… Đây là những công nghệ giúp xử lý hình ảnh trong điều kiện thiếu sáng như ổn định hình ảnh, chống rung hoặc xử lý hình ảnh thông minh. Nếu máy trang bị IS là công nghệ cũ của những năm trước, HS là công nghệ mới hơn với nhiều cải tiến kết hợp với xử lý ảnh chụp trong điều kiện thiếu sáng. Một số dòng máy cao cấp sẽ có đủ HS và IS tích hợp.
Nếu người dùng là các nhiếp ảnh gia cần máy ảnh phụ hỗ trợ hoặc "chữa cháy" khi đang tác nghiệp thì nên chọn dòng Powershot mẫu G hoặc SX với mã số cao cấp nhất hiện nay là G15 hoặc SX260 HS, cần zoom xa thì chọn SX500 HS hoặc SX50 HS. Với người dùng bình thường ít am hiểu chụp ảnh nhưng cần ảnh đẹp thì chọn S100 hoặc SX mã số thấp hơn, còn nếu cần giá tiền phù hợp theo túi tiền thì chọn IXUS hoặc những mẫu A.
Sony
Hãng này phân máy ảnh du lịch Cyber-shot của năm 2012 thành 3 dòng chính: loại cao cấp chụp thiếu sáng tốt, loại mỏng gọn thời trang và loại zoom xa, tương ứng với các máy được đánh dấu bằng những ký tự W, H, WX…
Chẳng hạn, những máy cao cấp chụp thiếu sáng tốt sẽ gồm các sản phẩm có ký tự X kèm theo các ký tự đầu tiên như RX100, WX100, HX10. Những máy mỏng gọn thời trang dành cho người dùng phổ thông được đặt theo ký tự W với mã số tăng dần như 610, 630, 650, 670 và cuối là 690 giá 4 triệu đồng. Cuối cùng là dòng zoom xa được đặt theo mẫu H với các mã như H90, HX200…
Sony phân loại máy dựa theo cách thức chụp zoom xa hoặc
thiếu sáng.
Điểm khác biệt lớn nhất của dòng máy phổ thông và cao cấp của Sony là tích hợp các công nghệ xử lý hình ảnh và bộ cảm biến hình ảnh tốt. Ví dụ, dòng phổ thông W sẽ không có 2 công nghệ độc quyền thường dùng trong máy ảnh cao cấp là bộ cảm biến Exmor và bộ xử lý giúp hình ảnh rõ nét BIONZ. Chỉ cần máy nào có 2 công nghệ này thì giá có thể vượt đến mức từ 10 triệu đến 15 triệu đồng.
Nikon
Tương tự như Sony, hãng này cũng phân các sản phẩm của mình thành 3 dòng mạnh mẽ, thời trang và tiện lợi, tương ứng là các ký tự P, S và L đặt phía sau tên Coolpix của sản phẩm. Cụ thể, những máy dòng P dành cho người dùng cao cấp, dòng S dành cho người dùng năng động, cá tính và dòng L lại "lơ lửng" theo hướng bình dân và có am hiểu chụp ảnh đơn giản. Cách nhận biết sản phẩm cao cấp hay thứ cấp dựa vào con số hàng chục và hàng trăm sau ký tự L. Ví dụ, Coolpix L25 dành cho chụp phổ thông và Coolpix L810 dành cho chụp ảnh đẹp, zoom xa, hỗ trợ chống rung ổn định quang học…
Tương tự với dòng P và S, Nikon phân định sản phẩm bằng con số hàng trăm và hàng ngàn, số càng lớn thì dòng máy sẽ càng đắt tiền và trang bị nhiều công nghệ hỗ trợ cho chụp ảnh. Chẳng hạn, dòng S của năm 2012 thấp nhất sẽ là 2600 và mẫu cuối là 6150 với giá khoảng 4,5 triệu đồng. Còn dòng P thì gồm 300/310, 500/510 hoặc 7000/7100 và tận cùng là 7700 với giá 14 triệu đồng.
Nikon phân máy dựa theo ký tự P, S hoặc L để phân loại đối
tượng người dùng.
Như vậy người dùng gia đình có thể chọn sử dụng các sản phẩm dòng L hoặc S, còn đối với người dùng am hiểu chụp ảnh thì nên chọn dòng P. Sự khác biệt của sản phẩm cao cấp của Nikon là thiết kế nam tính, chắc chắn và gồ ghề. Máy sử dụng ống kính cao cấp đặc trưng của hãng, kết hợp chống rung ổn định quang học chất lượng và bộ xử lý hình ảnh chuyên nghiệp độc quyền.
Panasonic và Fujifilm
Hiện tại máy ảnh của Panasonic phổ biến trên thị trường chủ yếu là dành cho người dùng phổ thông với dòng FH, S có chất lượng ảnh từ trung bình khá trở lên, còn dòng sản phẩm cao cấp hơn như mẫu G của hãng đã vắng bóng. Các máy ảnh thuộc dòng FH và S có ưu điểm là hỗ trợ ổn định quang học và chống nhòe nét khá tốt nhưng do ít người dùng quan tâm nên sản phẩm chỉ phù hợp cho giới bình dân cần máy ảnh bỏ túi nhỏ gọn, giá rẻ.
Tương tự, Fujifilm cũng có nhiều dòng máy chia làm nhiều phân khúc khác nhau như Canon. Hãng cũng phân biệt khá rõ khi chia máy làm 4 dòng sản phẩm với các ký tự S, F, T, J và phân chia theo từng đẳng cấp người dùng. Dòng cơ bản và thấp nhất là ký tự J, kế đến là thời trang với mẫu T, cao cấp hơn là F và nhiều chức năng chụp ảnh là S.
Tuy nhiên hiện tại các mẫu thuộc dòng J của Fufifilm chiếm khá nhiều bởi giá rẻ, chất lượng ảnh trung bình phù hợp cho người dùng phổ thông, còn những dòng sản phẩm cao cấp còn lại thì hơi khó tìm và ít người dùng.
Theo VNE |