Bộ TT& TT sẽ quản lý giá cước viễn thông
Không nên ngạc nhiên khi DN tăng giá cướcTại buổi công bố khảo sát Mức độ hài lòng của người dùng 3G tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM năm 2012, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Lê Nam Thắng cho rằng giá cước các dịch vụ viễn thông trong thời gian tới sẽ phải được quản lý dựa trên giá thành sản xuất. Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết Việt Nam là một trong những nước có giá cước 3G rẻ nhất trên thế giới. So sánh với các nước trong khu vực, điển hình như Thái Lan, giá dịch vụ ăn uống, đi lại tại nước này rẻ hơn so với Việt Nam nhưng dịch vụ 3G tại đây lại đắt hơn nhiều so với Việt Nam. Thứ trưởng cho rằng, giá cước 3G cũng như các dịch vụ hàng hóa khác, khi mới mở dịch vụ, ví dụ như cửa hàng thì người chủ sẽ cho không hoặc bán dưới giá thành mua vào hay đầu tư. Tuy nhiên, sau khi bắt đầu có khách thì để bảo đảm tái đầu tư, giá cước phải dần tăng lên dựa trên cơ sở giá thành. "Doanh nghiệp không thể tái đầu tư phát triển nếu không có lợi nhuận. Trong suốt hơn 10 năm qua, giá cước dịch vụ viễn thông hầu như không tăng, thu nhập GDP đã tăng 2 lần. Do đó, sẽ cần điều chỉnh cước cho phù hợp giá thành", Thứ trưởng Lê Nam Thắng nhấn mạnh, "Cũng không có gì lạ khi các doanh nghiệp viễn thông điều chỉnh các gói cước, có thể gói cước này tăng, gói cước khác giảm, đặc biệt trong bối cảnh dịch vụ OTT (Over the Top) trên các nền tảng di động (Viber, Zalo, Line, KakaoTalk - PV) đang phát triển rất mạnh".
Tuy nhiên, Thứ trưởng cho biết Bộ TT&TT sẽ bắt đầu quản lý về giá cước các dịch vụ viễn thông. Theo đó, giá cước sẽ được quản lý giá cước dựa trên 3 tiêu chí: Một là giá thành, làm sao để giá thành ngày càng giảm thì phải đảm bảo môi trường, áp lực cạnh tranh. Thứ trưởng cho rằng đấy là cách tốt nhất để giảm chi phí, giá thành. Hai là giá cước sẽ phải quản lý và có mức tương đương với giá cước trung bình của thế giới. Và, ba là dựa trên mức độ, khả năng chi trả của thị trường, người dân. "Nguyên tắc chung là có điều chỉnh giá cước nhưng về cơ bản, các chính sách giá cước thời gian qua tương đối phù hợp. Bộ khuyến khích các doanh nghiệp đa dạng hóa gói cước cho các đối tượng có những nhu cầu dịch vụ khác nhau", Thứ trưởng Lê Nam Thắng nhấn mạnh. Trước đó, đầu tháng 4, hai nhà mạng VinaPhone và MobiFone bất ngờ tăng giá cước gói dịch vụ 3G trên di động từ 40.000 lên 50.000 đồng/tháng. Mặc dù mức tăng cước không quá cao (chỉ 10.000 đồng/tháng), tuy nhiên động thái tăng giá cước này khiến nhiều người dùng cảm thấy cảm thấy bất ngờ và bức xúc, nhất là khi không ít người dùng cho rằng chất lượng dịch vụ không hoàn toàn đúng với như những gì các nhà mạng quảng cáo, nhất là tốc độ kết nối Internet không nhanh như thông số thực sự và đôi khi rơi vào tình trạng thiếu ổn định. Cần tăng cường phủ sóng trong nhàNói về chất lượng 3G tại Việt Nam, Thứ trưởng đánh giá sau 3 năm triển khai từ năm 2009, 3G đã phủ sóng gần như toàn quốc, và số lượng người dùng đã tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt tỷ lệ người dùng 3G trong năm 2012 tăng gấp 5 lần so với năm 2011. Theo Thứ trưởng, Việt Nam đã có hạ tầng 3G tương đối hiện đại với khoảng 44.000 trạm 3G (1 trong những nước đứng đầu ASEAN về hạ tầng 3G) và 28.000 tỷ đồng (1,3 tỷ USD) đầu tư trong 3 năm qua. Tuy nhiên, đại diện Bộ TT&TT cũng cho rằng trong quá trình triển khai 3G đã có một số tồn tại. Thứ nhất, phủ sóng 3G trong nhà ở Việt Nam còn yếu so với phủ sóng ngoài trời. Theo Thứ trưởng, các kháo sát gần đây của Huawei, Nielsen đã nhận thấy bất cập khi sóng 3G trong nhà của Việt Nam kém hơn rất nhiều so với châu Âu, Nhật Bản, Bắc Mỹ. Thứ trưởng yêu cầu các nhà mạng cần tiếp tục hoàn thiện bằng các giải pháp kỹ thuật để tăng cường chất lượng dịch vụ. Bất cập thứ hai là quá tải lưu lượng: số lượng người dùng tăng, số lượng ứng dụng đòi hỏi nhiều băng thông càng nhiều cho nên các dn đang đối đầu thách thức. Đầu tư tốn kém. DN đứng trước thách thức quá tải lưu lượng, overload trong khi đầu tư tốn kém vì thế chi phí giá thành 1 bite thông tin tăng rất lớn. Trong khi đó doanh thu thu lại hạn chế, do đó, các nhà mạng phải có giải pháp offload lưu lượng thông qua Wi-Fi, các giải pháp và các hạ tầng khác không chỉ dựa vào hạ tầng không dây băng rộng. Đây là những thách thức, tồn tại cần giải quyết trong thời gian tới. Cũng tại sự kiện này, ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào, Campuchia, cho rằng sự phát triển 3G tại Việt Nam không nằm ngoài xu hướng của các nước đang phát triển trên thế giới và khu vực. Ông Nam dự đoán từ nay đến 2016, tốc độ phát triển 3G sẽ tăng nhanh, trong đó các nước ASEAN sẽ tăng 226%/năm. Số lượng thuê bao 3G tăng nhanh cũng đồng nghĩa với sự bùng nổ của dữ liệu di động.
Trên toàn thế giới, hiện có 2 tỷ người dùng 3G, đến 2016 sẽ là 4 tỷ và mỗi ngày có 1 triệu người dùng mới kết nối 3G. Ông Nam cũng cho rằng sự phát triển các thiết bị như smartphone, máy tính bảng luôn luôn kết nối mọi nơi, mọi lúc cũng một phần khiến nhu cầu dữ liệu trên thế giới sẽ tăng rất nhanh. Vài năm tới, dữ liệu trên mạng di động sẽ tăng 1.000 lần. Đại diện Qualcom đề xuất các nhà mạng cần phải chuẩn bị cho sự phát triển bùng nổ của dữ liệu. Theo ông Nam, các quốc gia đang chuẩn bị cho bước tiến này và cần chuẩn bị kế hoạch tăng băng thông. Sẽ cần nhiều băng thông hơn cho kết nối 3G hay 4G LTE. Được biết để giải quyết bài toán tăng dữ liệu, Qualcomm đang cùng các nhà mạng xem xét và đánh giá giải pháp Small Cells do hãng này phát triển. Ông Nam cho biết đây sẽ là xu hướng phát triển giúp giải quyết bài toán tăng dữ liệu, đặc biệt khắc phục vùng phủ sóng trong nhà. Tham gia buổi Tọa đàm, ông Tenny Sum, Tư vấn chính sách của Huewei cho biết hãng vừa thực hiện 1 cuộc đo kiểm nhỏ tại Hà Nội và phát hiện: Những điểm chất lượng mạng kém là những điểm yêu cầu lưu lượng cao, hoặc điểm vùng phủ kém, vùng ngoại biên mà tín hiệu bị nhiễu, ở trong nhà cao tầng, hoặc vùng bị che khuất không có sóng. Cuộc đo kiểm nhận thấy đối với sóng ngoài trời, thì khoảng 27% gần như không cung cấp được dịch vụ data, trong nhà thì 28% (sóng rất kém), và người dùng thường than phiền về chất lượng mạng chủ yếu từ người dùng trong nhà. Huawei cho rằng các nhà mạng cần cải thiện vùng phủ những điểm yếu này ở các thành phố lớn bằng giải pháp hetnet (viết tắt của từ mạng đồng bộ cùng loại vùng phủ tốt như nhau). "Để đạt mục đích 1Mb/s trong 1km2 ở đô thị thì cần xây dựng 1 trạm loại to và nhiều trạm loại nhỏ nhằm tăng vùng phủ ở những vùng kém sóng. Hầu hết thành phố lớn ở Việt Nam đều đạt mức 600Kb/s. Nhưng để đạt 1Mpbs thì phải đầu tư thêm 1 bước nữa", ông Tenny Sum nhấn mạnh. |
Theo Dân trí |