ACTA: "ác mộng" mới của mạng toàn cầu?
ACTA có những điểm gì khác so với SOPA và PIPA, và đạo luật mới này sẽ có những ảnh hưởng nào đến mạng toàn cầu?
Người biểu tình trên khắp thế giới đang nỗ lực chống lại ACTA
-Ảnh minh họa: Internet
"Đạo luật chống giả mạo thương mại" (ACTA) là gì?
ACTA, viết tắt của Anti-Counterfeiting Trade Agreement (Đạo luật chống giả mạo thương mại). ACTA được ký kết đầu tiên bởi Hoa Kỳ và Nhật Bản vào năm 2006, sau đó Úc, Canada, Morrocco, New Zealand, Singapore và Hàn Quốc cũng tham gia hiệp định này vào năm 2007.
Một trong những mục tiêu chủ đạo của ACTA là để bảo vệ và ngăn chặn sự xâm phạm tài sản trí tuệ trên mạng Internet. ACTA có phạm vi hoạt động không thuộc kiểm soát của bất cứ tổ chức quốc tế hiện có nào, dù là Liên Hiệp Quốc (UN) hay Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Khi đồng ý tham gia ACTA, các nước có mặt trong hiệp định sẽ có quyền hạn và nghĩa vụ hỗ trợ nhau chống lại mọi vấn đề liên quan đến bảo vệ tài sản trí tuệ.
Cũng như SOPA và PIPA, ACTA đang vấp phải sự phản đối quyết
liệt từ công luận - Ảnh minh họa:
Internet
Nếu SOPA và PIPA đã bị "chết từ trong trứng nước", tầm ảnh hưởng của ACTA lại ngày một lan rộng. Cụ thể, gần đây nhất đã có thêm 22 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu đã đồng ý phê chuẩn ACTA, đồng thời nhiều quốc gia còn lại thuộc châu lục này cũng đang "rục rịch" kế hoạch tham gia bản hiệp định.
Trong khi đó tại Hoa Kỳ, ACTA lại được xem như bản "thỏa thuận thực thi" hơn là một "hiệp ước". Cụ thể, nếu muốn ký kết một bản hiệp ước, tổng thống Hoa Kỳ cần phải có phiếu thuận của ít nhất 2/3 số đại biểu thượng viện. Trong khi đối với một "thỏa thuận thực thi" như ACTA, ông Barack Obama sẽ được toàn quyền quyết định mà không cần thông qua Thượng viện Mỹ.
Đe dọa tự do Internet?
Một số nghị viên Ba Lan đã đeo mặt nạ Guy Fawkes của nhóm
tin tặc Anonymous, trong khi bỏ phiếu chống lại việc thông qua ACTA
- Ảnh minh họa: Internet
Tranh cãi đã bắt đầu nổi lên trước cả khi ACTA bắt đầu công cuộc thu thập chữ ký của các quốc gia tham dự. Bản hiệp định chỉ được công chúng biết đến sau khi Wikileaks công bố nhiều tài liệu tiết lộ nội dung về bản hiệp định. Các bên tham gia ACTA chỉ chịu công bố bản nháp dự thảo ACTA vào năm 2010, sau khi hứng chịu nhiều phản đối và chỉ trích từ công luận. Giới quan sát khi đó đã chỉ trích rằng quá trình đàm phán và tham gia ACTA của chính phủ các nước liên quan đã diễn ra một cách quá mờ ám và thiếu minh bạch.
Sau khi Ba Lan tuyên bố sẽ tham gia ACTA cách đây ít ngày, một loạt trang web thuộc chính phủ nước này đã hứng chịu nhiều đợt tấn công theo phương thức từ chối dịch vụ (DDoS).
"ACTA còn nguy hiểm hơn cả SOPA",
nghị viên từ bang California, ông Darrell Issa tuyên bố trong buổi
thảo luận tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sĩ.
"Người ta cần đặt câu hỏi cho lý do tại sao ACTA lại phải hoạt động qua mặt WTO và các tổ chức quốc tế hiện hành? Tôi cho rằng câu trả lời hợp lý nhất chính là để cho những người đứng đằng sau ACTA có thể hoạt động trong bí mật. ACTA sẽ làm mọi thứ mà không có sự tham gia, nhận thức và đồng ý của mọi người, để khi "ván đã đóng thuyền" thì mọi chuyện đã quá trễ" - ông Darrell Issa tiếp tục. |
Theo Tổ chức Tiên phong điện tử (Electronic Frontier Foundation), một tổ chức phi lợi nhuận lấy tiêu chí bảo vệ tự do ngôn luận trực tuyến làm tôn chỉ hoạt động, "ACTA tiềm tàng nhiều nội dung đe dọa một cách rõ ràng đến sự riêng tư của người tiêu dùng, cũng như tự do công dân trong việc tiếp cận với thành tựu công nghệ, đồng thời cản trở dòng chảy thông tin hợp pháp của thế giới Internet, mà đi kèm với đó là khả năng phát triển của một quốc gia, vốn thể hiện bằng quyền được lựa chọn các phương án chính sách phù hợp nhất với ưu tiên quốc nội và trình độ kinh tế của quốc gia đó".
Vậy các nội dung này cụ thể là những gì? Trước tiên, ACTA được phép yêu cầu mọi nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP - Internet Service Provider) cung cấp cho những cá nhân và đơn vị nắm giữ quyền sở hữu tài sản trí tuệ thông tin của những người dùng có hành vi đăng tải các nội dung đã được đăng ký bản quyền.
Tiếp theo, ACTA có khả năng thiết lập một bộ khung pháp lý trên phạm vi toàn cầu, cho phép các bên được linh hoạt sửa đổi chính hiệp định này, nhưng cả công chúng lẫn hệ thống pháp luật quốc nội của các bên tham gia lại không được phép tiếp cận nội dung của "bộ khung pháp lý toàn cầu" nói trên, mặc dù đại diện từ một số ngành công nghiệp liên quan lại được phép có những "quan sát hợp lý".
Diễn biến mới: dự thảo mới nhất của ACTA đồng ý "xuống nước"
Trong diễn biến mới nhất, rất nhiều nội dung bên trong ACTA, vốn bị xem là đe dọa đến sự tự do của thế giới mạng toàn cầu đã bị tạm hoãn. Cụ thể, nội dung về việc trừng phạt pháp lý đối với người dùng Internet phổ thông đối với các hành vi tải xuống (một cách trái phép) các nội dung được bảo hộ bản quyền như âm nhạc, phim ảnh, phần mềm đã bị tạm hoãn vô thời hạn trong bản dự thảo mới nhất của ACTA.
Nội dung yêu cầu mọi nước tham gia ACTA phải có biện pháp kiểm soát các bên thứ ba, chẳng hạn ISP (nhà cung cấp dịch vụ Internet) hoặc những hãng sản xuất điện tử gia dụng phải chịu trách nhiệm cho hành vi vi phạm của khách hàng cũng bị hủy bỏ khỏi bản dự thảo. Ngay từ đâu, nội dung này đã mâu thuẫn trực tiếp với luật pháp Hoa Kỳ, bởi nếu tiếp tục, nó sẽ yêu cầu một sự sửa đổi luật pháp của nước này.
Nội dung về Digital Restrictions Management (Quản lý và chế tài về nội dung kỹ thuật số) đã được cải thiện đáng kể. Những bản dự thảo trước đây của ACTA từng kêu gọi các nước phải mạnh tay trừng trị bất cứ sự xâm phạm DRM nào, xử lý bên vi phạm theo cả bộ luật hình sự lẫn dân sự, và xem hành vi xâm phạm DRM là trái pháp luật ngay cả trong trường hợp không phát hiện bất cứ nỗ lực nào chứng tỏ là bên xâm phạm DRM cố ý vi phạm bản quyền.
Xa hơn, những bản dự thảo nói trên đã không nhận thức rằng các hành vi xâm phạm DRM đó, trong nhiều trường hợp, có thể được thực thi một cách hoàn toàn hợp pháp. Bản dự thảo mới nhất đã khắc phục các thiếu hụt vừa liệt kê, và trao cho các nước tham gia ACTA quyền tự quyết linh hoạt hơn trong việc thực thi DRM.
Theo Tuổi trẻ |